Trong số các thiết bị vệ sinh thì bồn cầu là thiết bị cần lưu ý nhiều nhất khi thi công lắp đặt, nếu làm sai tiêu chuẩn rất dễ xảy ra vấn đề như tắc nghẽn, trào ngược hay không xả sạch, ảnh hưởng rất nhiều tới vệ sinh và thẩm mỹ nhà tắm. Bài viết này sẽ cung cấp kích thước và khoảng cách đặt ống bồn cầu cùng những lưu ý khi lắp đặt để bạn có hệ thống vệ sinh tốt, không ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như môi trường.
1. Kích thước đặt ống bồn cầu
- Tùy vào loại bồn cầu và hệ thống thoát nước thải mà kích thước đặt ống bồn cầu sẽ khác nhau. Thông thường, với nhà dân kích thước chuẩn là phi 90 (đường kính 90mm) còn với các công tình lớn như nhà máy, công ty, khu thương mại thì là phi 140 (đường kính 140mm), nhìn chung sẽ dao động trong khoảng phi 60 đến phi 140.
Ống bồn cầu càng to thì khả năng thoát nước càng tốt
Đường kính ống bồn cầu càng to thì thoát nước thải càng nhanh, hạn chế được tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên cần dựa vào nhu cầu của gia đình để xác định kích thước cho phù hợp, nếu làm quá to sẽ tốn kém hơn và còn lãng phí không gian. Để biết nhà mình nên chọn kích thước đặt ống bồn cầu bao nhiêu thì bạn nên tìm đến sự tư vấn của thợ lành nghề, với kinh nghiệm của họ sẽ cho bạn biết con số chính xác và phù hợp nhất.
2. Khoảng cách đặt ống bồn cầu tiêu chuẩn
Để biết nên đặt ống chờ bồn cầu ở đâu bạn nên xem sơ đồ hệ thống nước thải của công trình, từ hướng đi của ống thoát nước bạn sẽ xác định được vị trí phù hợp. Cần lưu ý khoảng cách đặt ống bồn cầu phải cách tường tối thiểu 300mm, đảm bảo đủ khoảng trống lắp đặt ống nước và những phụ kiện liên quan. Ngoài ra ống thoát bồn cầu cần cách mặt nước trong bể phốt ít nhất 200mm để đạt hiệu quả xả tốt nhất.
Khoảng cách đặt ống bồn cầu tham khảo
Bên cạnh khoảng cách đặt ống bồn cầu thì độ dốc của ống cũng cần đạt chuẩn. Nhiều người lầm tưởng rằng ống càng dốc thì tốc độ thải càng nhanh, nhưng thực tế thì ngược lại. Chất thải rắn và cặn bẩn không trôi nhanh như chất thải lỏng nên nếu ống quá dốc sẽ không trôi xuống kịp, dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Vì vậy độ dốc lý tưởng nhất là 1/50, tương đương 20mm - 40mm cho độ dài 1m. Với độ dốc này chất thải vẫn thoát nhanh mà không gây ra tiếng ồn quá lớn, đảm bảo độ bền cho hệ thống thoát nước.
3. Một số lưu ý khi lắp đặt ống thoát bồn cầu
- Không đặt ống quá dài hoặc gấp khúc khiến việc đẩy chất thải xuống bể phốt gặp khó khăn, sau một thời gian sử dụng còn dễ bị bám cặn, lâu dài cũng gây tắc nghẽn.
- Thiết kế ống thoát khí cùng với ống thải để giải phóng vi sinh vật từ quá trình phân hủy, vừa bớt mùi vừa giải quyết tình trạng yếm khí dễ gây nổ bồn cầu. Ống thoát khí nên đặt theo chiều thẳng đứng để giảm áp lực vào bồn cầu, chọn chất liệu nhựa PVC để đảm bảo độ bền.
- Sử dụng lượng xi măng trát xung quanh chân bồn cầu vừa phải, không dùng quá nhiều, sau này khi xi măng khô có thể lọt vào đường ống thải. Để tăng tính thẩm mỹ nên chọn xi măng trắng, trùng với màu men của bồn cầu.
- Vệ sinh sạch sẽ ống thoát trước khi lắp đặt, đảm bảo không bị bám bẩn hoặc có vật thể lạ.
- Nếu lắp đặt nhiều hệ thống thải chung một đường ống thì nên sử dụng cút nối chữ Y thay vì chữ T, vì cút chữ T sẽ chia dòng nước thành 2 chiều làm giảm tốc chảy.
- Trường hợp đặt ống thoát bồn cầu nằm ngang cần lưu ý độ dốc lớn hơn 30mm và hướng ra ngoài, không hướng vào trong bồn cầu dễ dẫn đến tình trạng trào ngược.
- Chọn ống thoát bồn cầu chất liệu tốt, kích thước đủ lớn, không nên vì tiết kiệm mà chọn loại chất lượng kém, lâu dài dễ xảy ra vấn đề.
Lắp đặt ống bồn cầu thực ra không quá khó nhưng cần sự chính xác cao và tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là kích thước và khoảng cách đặt ống bồn cầu. Hi vọng rằng qua bài viết bạn đã biết cách lắp đặt chuẩn để sử dụng hiệu quả, không gặp các vấn đề phát sinh sau này.