Tìm hiểu kinh nghiệm xây nhà gồm những gì, chi phí bao nhiêu, làm sao để hạn chế rủi ro là điều mà các gia chủ mới vô cùng quan tâm. Trong bài viết này, S.Home Solution sẽ giúp bạn có góc nhìn tổng quan giúp xây nhà hiệu quả và tiết kiệm.
Kinh nghiệm xây nhà lần đầu và những điều cần biết
1. Lên kế hoạch tài chính chi tiết
Lên kế hoạch tài chính là bước không thể thiếu trong quá trình xây nhà. Ngân sách cần được phân chia thành các hạng mục cụ thể như sau:
- Chi phí vật tư xây dựng: 50–60% tổng chi phí
- Chi phí nhân công: 15–20% tổng chi phí
- Chi phí thiết kế và giám sát: 10–15% tổng chi phí
- Chi phí dự phòng phát sinh: 10–15% tổng chi phí
Ví dụ: nếu bạn có ngân sách 500 triệu đồng, bạn nên dự trù từ 250–300 triệu đồng cho vật liệu, 75–100 triệu đồng cho nhân công, 50–75 triệu đồng cho thiết kế và khoảng 50–75 triệu đồng để đối phó với các khoản chi bất ngờ. Từ các tỷ trọng hạng mục này, bạn có thể đánh giá xem ngân sách có phù hợp với ngôi nhà như mong muốn không.
2. Chọn vị trí xây nhà thuận tiện
Bên cạnh đó, chọn vị trí xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng. Vị trí gần trường học hay bệnh viện, gần chợ hoặc siêu thị sẽ mang đến nhiều tiện lợi cho sinh hoạt. Bạn cũng nên kiểm tra kỹ các giấy tờ, thủ tục pháp lý đất đai để tránh rắc rối sau này.
3. Chọn phong cách thiết kế phù hợp
Việc chọn phong cách thiết kế cần được cân nhắc kỹ dựa trên diện tích khu đất, nhu cầu sử dụng và ngân sách gia đình. Ví dụ, một ngôi nhà cấp 4 tối giản diện tích 100m² có chi phí từ 400–600 triệu đồng, trong khi nhà mái Thái cùng diện tích có thể cần từ 700–900 triệu đồng.
Kinh nghiệm xây nhà trọn gói? Nên hay không?
Nhiều người vẫn cho rằng dịch vụ xây nhà trọn gói sẽ tốn kém hơn so với việc tự giám sát, mua vật tư và thi công. Thực tế cho thấy, điều này chỉ đúng trong một số trường hợp. Chẳng hạn như gia chủ là người có kinh nghiệm trong ngành xây dựng, hoặc đã từng xây nhà. Còn với gia chủ lần đầu xây nhà với nhiều bỡ ngỡ thì dịch vụ trọn gói là giải pháp rất đáng để cân nhắc.
Điều quan trọng nhất đối với xây nhà trọn gói là lựa chọn nhà thầu. Để chọn được nhà thầu uy tín, bạn nên tham khảo ý kiến từ các khách hàng trước đó, đồng thời yêu cầu hợp đồng rõ ràng, nêu chi tiết các hạng mục công việc và thời gian hoàn thành. Dù chọn xây nhà trọn gói, bạn cũng nên tham gia giám sát quá trình thi công. Các giai đoạn quan trọng như làm móng, đổ sàn và hoàn thiện nội thất cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Kinh nghiệm tiết kiệm chi phí xây nhà
Mặc dù sở hữu một ngôi nhà là mơ ước của không ít người, nhưng không phải ai cũng dư dả tài chính để hoàn thiện tổ ấm trong mơ ngay trong lần đầu tiên. Dưới đây là một số giải pháp giúp tiết kiệm chi phí mà bạn có thể tham khảo:
1. Tận dụng vật liệu địa phương
Để giảm thiểu chi phí, bạn có thể tận dụng các vật liệu địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm 5–10% chi phí vận chuyển mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có. Thêm vào đó, việc sử dụng gạch không nung thay cho gạch nung truyền thống có thể tiết kiệm thêm khoảng 10% chi phí vật liệu.
2. Tối ưu hóa thiết kế
Tối ưu hóa thiết kế cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả. Bạn nên lựa chọn phong cách thiết kế tối giản, loại bỏ các chi tiết cầu kỳ như cột giả hay hoa văn phức tạp. Việc sử dụng các vật liệu thay thế như cửa nhôm kính thay cho cửa gỗ tự nhiên cũng giúp giảm đáng kể ngân sách mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.
3. Quản lý chặt chi tiêu từng hạng mục
Ngoài ra, quản lý chặt chẽ chi tiêu từng hạng mục là điều cần thiết. Bạn nên ghi chép chi tiết các khoản chi phí như xin phép xây dựng (thường từ 10–15 triệu đồng) hay kết nối điện, nước (dao động từ 5–10 triệu đồng).
Một số kinh nghiệm xây nhà trọ cho thuê
Khác với xây nhà để ở, việc xây nhà trọ cho thuê còn liên quan đến bài toán đầu tư kinh doanh, thu hồi vốn hiệu quả, phù hợp với đối tượng cho thuê.
1. Xác định đối tượng mục tiêu
Xây nhà trọ cho thuê là hình thức đầu tư phổ biến với chi phí ban đầu hợp lý. Trước tiên, bạn cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, như công nhân hoặc sinh viên thì ưu tiên phòng diện tích nhỏ, giá rẻ; còn gia đình nhỏ thì cần không gian rộng rãi hơn và đầy đủ tiện ích cơ bản.
2. Thiết kế tối ưu không gian
Về thiết kế, phòng trọ diện tích từ 15–20m² với nhà vệ sinh khép kín là lựa chọn phù hợp. Giá xây dựng cho mỗi phòng dao động từ 60–100 triệu đồng. Bạn cũng có thể tối ưu không gian bằng cách thêm gác lửng, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tăng giá trị cho phòng trọ.
3. Chọn vật liệu bền với giá thành hợp lý
Khi xây nhà trọ, bạn nên sử dụng vật liệu bền và giá hợp lý như gạch block hoặc sơn chống thấm thay cho gạch men cao cấp. Ngoài ra, việc tận dụng các chương trình giảm giá khi mua vật liệu số lượng lớn sẽ giúp bạn giảm thêm chi phí. Đừng quên đăng ký kinh doanh nhà trọ để tránh các vấn đề pháp lý sau này.
Những lưu ý quan trọng khi xây nhà
1. Chọn thời điểm xây nhà
Thời điểm khởi công có ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và chi phí xây dựng. Mùa được cho là thuận lợi nhất để xây nhà là mùa khô. Thời tiết khô ráo giúp quá trình thi công diễn ra liên tục, hạn chế tình trạng phải dừng lại do mưa lớn, ngập úng hoặc điều kiện bất lợi khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong các công đoạn như đổ móng, xây tường, và lợp mái, vốn đòi hỏi bề mặt và vật liệu phải khô hoàn toàn để đảm bảo độ bền.
Những gián đoạn do thời tiết xấu có thể làm phát sinh chi phí nhân công (chờ đợi), hao hụt vật liệu (do ẩm ướt, hư hại), hoặc thậm chí phải thực hiện lại một số hạng mục. Theo kinh nghiệm, xây dựng vào mùa khô có thể giúp bạn giảm từ 5–10% tổng chi phí so với xây dựng vào mùa mưa.
Ngoài yếu tố thời tiết, nếu khởi công vào thời gian thấp điểm (thường rơi vào tháng 9–12), bạn có thể dễ dàng tìm được nhà thầu và vật liệu với giá cả hợp lý hơn, vì đây là thời gian ít dự án xây dựng được triển khai.
2. Chú trọng giám sát kỹ thuật trong mọi giai đoạn
Để công trình đảm bảo kỹ thuật, bạn cần giám sát kỹ kỹ thuật của toàn bộ công trình. Cụ thể, bạn có thể tham khảo các lưu ý giám sát không thể bỏ qua dưới đây:
- Giám sát từng giai đoạn quan trọng: Các giai đoạn làm móng, đổ bê tông, làm tường, sơn chống thấm hay lắp đặt hệ thống điện nước bạn đều phải kiểm tra thật kỹ để đảm bảo an toàn. Nếu phần móng không đúng tiêu chuẩn, trong tương lai công trình rất dễ gặp tình trạng lún, nứt nguy hiểm cho người ở. Các lỗi kỹ thuật nhỏ không dễ phát hiện đều có thể để lại hậu quả lâu dài.
- Tự giám sát hoặc thuê giám sát độc lập: Biện pháp an toàn và tiết kiệm thời gian nhất nếu bạn không có thời gian hoặc kinh nghiệm chuyên môn là thuê kỹ sư giám sát độc lập. Với chuyên môn của mình, người này sẽ đảm bảo các hạng mục thi công đúng bản vẽ và các tiêu chuẩn về kỹ thuật.
- Kiểm tra và nghiệm thu từng hạng mục: Bạn nên nghiệm thu từng hạng mục trước khi thi công hạng mục kế tiếp. Ví dụ, kiểm tra độ chắc chắn của móng, độ phẳng của sàn, hoặc khả năng chống thấm của tường trước khi sơn. Điều này giúp bạn tránh phải sửa chữa hoặc làm lại sau này.
- Dịch vụ bảo hành của nhà thầu: Một công trình đạt chất lượng không chỉ thể hiện ở thời điểm hoàn thành mà còn cần đảm bảo bền lâu. Yêu cầu nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo hành ít nhất 12 tháng là tiêu chuẩn cơ bản. Thời gian bảo hành cho phép bạn phát hiện, xử lý một số lỗi như lún móng, nứt tường, lỗi hệ thống điện nước…
- Lập kế hoạch bảo trì định kỳ: Sau thời gian bảo hành, bạn nên lên lịch bảo trì định kỳ (mỗi 6–12 tháng) để kiểm tra hệ thống điện, nước, và các chi tiết cấu trúc quan trọng. Nhờ đó công trình luôn được đảm bảo tốt nhất.
Thực tế, trong từng trường hợp khác nhau, chúng ta cần có những điều chỉnh phù hợp để đạt được hiệu quả, đảm bảo tính an toàn và tiết kiệm. Trong phạm vi bài viết, S.Home Solution hi vọng rằng bạn đã ít nhiều tích lũy được các thông tin hữu ích và có được những góc nhìn tổng quan nhất về kinh nghiệm xây nhà.