Thiết bị nhà bếp gồm mấy loại? Thiết bị nào nhà ai cũng phải có?

Thiết bị nhà bếp gồm mấy loại? Thiết bị nào nhà ai cũng phải có?
 23/04/2024  Đoàn Thị Thơ
Thiết bị nhà bếp gồm mấy loại? Thiết bị nào nhà ai cũng phải có?

Với những ai đang có ý định mua mới hoặc tân trang lại nội thất thì có lẽ nhà bếp là khu phải đau đầu cân nhắc nhất. Nói khó là vì không gian nhà bếp vốn không quá rộng nhưng số lượng thiết bị cần dùng lại quá nhiều, chọn loại gì, số lượng ra sao, sắp xếp thế nào cho hợp lý mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ luôn là bài toán căng não. Vậy thì hôm nay hãy cùng Shome.vn khám phá xem thiết bị nhà bếp gồm mấy loại và thiết bị nào được liệt vào danh sách không-có-không-được nhé!

I - Cách phân chia thiết bị nhà bếp

Nếu tính toán tỉ mỉ thiết bị nhà bếp có thể lên đến hàng trăm loại lớn bé khác nhau, để liệt kê hết cần biết cách phân chia cho dễ theo dõi. Bạn có thể tham khảo một số cách chia nhóm thiết bị nhà bếp như sau:

   - Phân chia theo khu vực chức năng: Khu nấu, khu sơ chế, khu vệ sinh

   - Phân chia theo nhóm chức năng

   - Phân chia theo tần suất sử dụng

Bài viết này sẽ áp dụng cách chia các thiết bị theo nhóm chức năng, như vậy sẽ đảm bảo nhà bếp của bạn không bị thiếu đồ đạc cần thiết.

II - Thiết bị nhà bếp gồm mấy loại?

1. Nhóm thiết bị nhà bếp phục vụ nấu nướng

1.1. Các loại bếp

Đây chắc chắn là thiết bị quan trọng nhất mà bất kỳ gian bếp nào cũng bắt buộc phải có. Trên thị trường có rất nhiều loại bếp, tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn bếp phù hợp cho gia đình mình.

   - Bếp từ: Bằng cách sử dụng dòng điện để tạo ra từ tính khiến đáy nồi, chảo nóng lên và nấu chín thức ăn, bếp từ được ưa chuộng nhờ hiệu suất nấu cao, an toàn và dễ vệ sinh. Tuy nhiên nhược điểm chí mạng của loại bếp này là phải dùng bộ nồi chảo chuyên dụng, gây khó khăn cho những ai mới chuyển đổi sang từ bếp thường.

   - Bếp điện (bếp hồng ngoại): Loại bếp này dùng bức xạ nhiệt của tia hồng ngoại để sinh nhiệt rồi thông qua phần mặt kính, tập trung vào một vùng nhất định. Cũng vì vậy mà thời gian làm nóng sẽ lâu hơn bếp từ, bù lại bếp điện không kén nồi, giá thành rẻ hơn khá nhiều.

   - Bếp điện từ: Là sự kết hợp của hai loại bếp trên, có cả vòng nấu từ và vòng nấu điện nên rất đa dụng, loại bỏ được hạn chế về dụng cụ đun nấu.

   - Bếp gas: Do sử dụng gas làm nhiên liệu tạo lửa nên bếp làm nóng nhanh, dễ sử dụng, nhiều mẫu mã. Tuy nhiên dùng bếp gas có nhiều nguy cơ cháy nổ, khi dùng phải đặc biệt lưu ý an toàn.

Bếp từ thuộc nhóm thiết bị nhà bếp phục vụ nấu nướng

Bếp từ có hiệu suất nấu ăn cao nhưng lại kén thiết bị nấu.

1.2. Nồi cơm điện

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, rất nhiều loại nồi cơm điện đã được phát minh phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau. Về cơ bản có thể phân chia theo chức năng như sau:

   - Nồi cơm điện cơ: Đây là loại nồi phổ biến nhất bởi giá rẻ, dễ dùng nhưng ít chức năng, chỉ có thể nấu cơm và hâm nóng.

   - Nồi cơm điện tử: Với hệ thống điều khiển thông minh, nồi cơm điện có nhiều chế độ nấu hơn như nấu cháo, nấu súp, làm bánh,...

   - Nồi cơm điện cao tần: Sử dụng công nghệ đốt nóng trong để nấu nên nồi được làm nóng trực tiếp chứ không qua mâm nhiệt, nhờ vậy mà nấu cơm nhanh hơn, hạt cơm chín dẻo, giữ được dinh dưỡng.

1.3. Lò nướng

Có hai cách để biết lò nướng trong thiết bị nhà bếp gồm mất loại, đó là:

Phân loại theo kiểu dáng

   - Lò nướng âm: Được lắp đặt cố định vào tủ bếp nên tiết kiệm diện tích hơn, mang lại tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên kích thước loại lò này khá lớn, khó di chuyển, giá thành cũng cao.

   - Lò nướng để bàn: Kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển, phù hợp với các gia đình sử dụng ít.

Phân loại theo phương pháp nướng

   - Lò nướng điện: Vì dùng điện để làm nóng thanh nhiệt nên rất dễ sử dụng, khá an toàn, giá thành rẻ.

   - Lò nướng hồng ngoại: Dùng tia hồng ngoại để nướng chín thực phẩm nên giữ được giá trị dinh dưỡng, đồ ăn sau khi nướng cũng không bị khô.

   - Lò nướng gas: Loại lò này ít phổ biến hơn nhưng do dùng gas để tạo lửa nướng thực phẩm nên tốc độ nướng nhanh, tuy vậy khi sử dụng cần chú ý an toàn.

1.4. Nồi chiên không dầu

Nồi chiên không dầu sử dụng công nghệ đối lưu nhiệt nóng để làm chín thực phẩm, giúp giảm thiểu tối đa lượng dầu nên ngày càng được nhiêu người ưa chuộng. Ngoài ra loại nồi này có nhiều chế độ nấu tự động, không phải lật hay đảo thực phẩm nên giúp tiết kiếm thời gian công sức.

Dựa vào dung tích nồi có thể chia làm ba loại, dưới 2 lít, từ 2 - 5 lít và trên 5 lít, tùy vào số lượng đồ ăn muốn nấu cho gia đình mà có thể chọn loại phù hợp. Hiện nay còn có thêm một số dòng nồi chiên không dầu kết hợp hấp hơi nước, tăng thêm khả năng đa dụng nên được nhiều người lựa chọn.

Nồi chiên không dầu được ưa chuộng trong nhóm thiết bị nhà bếp nấu nướng

Nồi chiên không dầu được ưa thích vì tiện dụng, tốc độ nấu nhanh và hạn chế dầu mỡ

1.5. Lò vi sóng

Với sự phổ biến của nồi chiên không dầu thì lò vi sóng đã ít được sử dụng hơn, tuy nhiên với sự tiện lợi và thao tác đơn giản thì nhiều gia đình vẫn chọn mua lò vi sóng cho gian bếp nhà mình. Có thể chia lò vi sóng thành ba loại theo chức năng:

   - Lò vi sóng cơ: Chức năng cơ bản, giá thành rẻ.

   - Lò vi sóng điện tử: Nhiều chức năng nấu nướng tự động, giá thành cao hơn.

   - Lò vi sóng nướng: Kết hợp chức năng nấu nướng và nướng, giá thành cao nhất.

2. Nhóm thiết bị bảo quản

2.1. Tủ lạnh và tủ đông

Để giữ thực phẩm trong thời gian dài, tránh tình trạng hư thối, ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi thì gia đình nào cũng cần đến tủ lạnh, riêng tủ đông thì phù hợp khi cần lưu trữ thực phẩm số lượng lớn ở nhiệt độ từ -18°C đến -25°C. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại tủ lạnh, tủ đông được tích hợp thêm các tính năng hiện đại với dung tích khác nhau, tùy vào nhu cầu sử dụng mà gia đình nên chọn loại phù hợp.

2.2. Các loại hộp bảo quản

Để tách riêng biệt từng loại thực phẩm trước khi lưu trữ, đồng thời giúp căn bếp gọn gàng, sạch sẽ thì luôn cần đến các loại hộp bảo quản khác nhau. Có thể phân loại hộp bảo quản theo hai cách:

Dựa vào chất liệu

   - Hộp bảo quản nhựa: Giá thành rẻ, nhẹ, dễ sử dụng, tuy nhiên một số loại nhựa có thể chứa BPA ảnh hưởng đến sức khỏe.

   - Hộp bảo quản thủy tinh: An toàn cho sức khỏe, chịu nhiệt tốt, dễ dàng vệ sinh, tuy nhiên dễ vỡ.

   - Hộp bảo quản thép không gỉ: Bền bỉ, chịu nhiệt tốt, an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên giá thành cao hơn.

   - Hộp bảo quản silicon: Dẻo dai, chịu nhiệt tốt, an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên giá thành cao.

Dựa vào chức năng

   - Hộp bảo quản thực phẩm thông thường: Dùng để bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thường.

   - Hộp bảo quản thực phẩm chịu nhiệt: Dùng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, tủ đông, lò vi sóng.

   - Hộp bảo quản thực phẩm chân không: Giúp bảo quản thực phẩm tươi ngon lâu hơn bằng cách loại bỏ không khí ra khỏi hộp.

hộp thủy tinh được nhiên người chọn trong nhóm thiết bị nhà bếp bảo quản

Hộp thủy tinh có khả năng bảo quản tốt, dễ vệ sinh và chịu được nhiệt độ cao nên được nhiều gia đình sử dụng

2.3. Túi, màng bọc thực phẩm

Cũng như hộp bảo quản, các loại túi và màng bọc thực phẩm sẽ giúp lưu trữ, phân loại thức ăn tốt hơn, tuy nhiên giá thành của chúng rất rẻ, sử dụng nhanh chóng, tiện lợi. Túi và màng bọc thường được phân loại dựa theo chất liệu:

   - Làm từ nilon: Giá thành rẻ, dễ sử dụng, tuy nhiên khó phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường.

   - Làm từ nhựa PE: An toàn hơn so với nilon, dễ phân hủy hơn, tuy nhiên giá thành cao hơn.

   - Làm từ giấy: Thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, tuy nhiên giá thành cao và không chịu được nhiệt độ cao.

   - Làm từ silicon: An toàn cho sức khỏe, chịu nhiệt tốt, có thể tái sử dụng nhiều lần, tuy nhiên giá thành cao nhất.

3. Nhóm thiết bị dọn dẹp và vệ sinh nhà bếp

3.1. Vòi và chậu rửa bát

Đây là bộ đôi mà bất kỳ gian bếp nào cũng phải có, tuy chức năng đơn giản nhưng khi được ứng dụng công nghệ thì rất nhiều sản phẩm hiện đại đã ra đời mang đến sự tiện lợi khi sử dụng.

Cấu tạo và phân loại chậu rửa bát

   - Chậu rửa bát thông thường sẽ có mặt chậu, hố chậu, xifon, ống xả và thoát tràn. Một số loại chậu có thể sẽ được lắp thêm phụ kiện như giá úp bát, thới, treo giẻ,...

   - Có thể phân loại chậu rửa bát theo số hố chậu (ngăn), gồm chậu 1 hố, 2 hố và 3 hố, hoặc phân loại theo cách lắp đặt, gồm chậu lắp âm và chậu lắp dương.

Cấu tạo và phân loại vòi rửa bát

   - Các phần của vòi rửa bát gồm: Cần vòi, tay gạt, lõi vòi, chân vòi, bộ phận lọc nước, dây cấp nước.

   - Dựa vào chức năng có thể chia vòi rửa bát thành một số loại sau: Vòi nóng lạnh, vòi có bộ lọc tạp chất, vòi có tính năng cảm ứng và vòi tăng áp lực nước.

Vòi và chậu rửa bát thuộc nhóm thiết bị nhà bếp dọn dẹp, vệ sinh

Vòi và chậu rửa bát thường được bán theo cặp với nhau để đảm bảo hài hòa về thiết kế

3.2. Máy hút mùi

Để bảo vệ sức khỏe khỏi khói, mùi thức ăn và tránh tình trạng gian bếp bị ám mùi, bám dính dầu mỡ thì rất cần đến máy hút mùi. Trên thị trường có rất nhiều loại máy hút mùi, có thể phân biệt dựa theo một số tiêu chí sau:

Phân loại máy hút mùi theo kiểu dáng lắp đặt

   - Máy hút mùi âm tủ: Lắp đặt ẩn bên trong tủ bếp, tiết kiệm diện tích và tạo sự thẩm mỹ cho gian bếp.

   - Máy hút mùi dạng đảo: Treo độc lập trên trần bếp, thường có công suất hút mạnh và thiết kế hiện đại.

   - Máy hút mùi dạng áp tường: Lắp đặt trên tường bếp, có nhiều mẫu mã và giá thành đa dạng.

Phân loại máy hút mùi theo kiểu hút và xả

   - Máy hút mùi khử mùi tuần hoàn: Hút khói, mùi và dầu mỡ từ bếp nấu lên phía trên, sau đó qua bộ lọc than hoạt tính để khử mùi và trả lại không khí sạch vào gian bếp.

   - Máy hút mùi thải ra ngoài: Hút khói, mùi và dầu mỡ từ bếp nấu lên phía trên, sau đó qua ống dẫn khí và thải ra ngoài trời.

3.3. Máy rửa bát

Theo nhịp sống hiện đại, các sản phẩm có khả năng thay thế con người làm các công việc chân tay như máy rửa bát đang ngày càng được ưa chuộng, không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức mà còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ cơ chế thông minh. Có thể phân loại máy rửa bát như sau:

Dựa vào kiểu dáng

   - Máy rửa bát âm tủ: Lắp đặt ẩn bên trong tủ bếp, tiết kiệm diện tích và tạo sự thẩm mỹ cho gian bếp.

   - Máy rửa bát độc lập: Lắp đặt độc lập ở bất kỳ vị trí nào trong gian bếp, dễ dàng di chuyển khi cần thiết.

   - Máy rửa bát mini: Kích thước nhỏ gọn, phù hợp cho những gia đình ít người hoặc có diện tích bếp hạn chế.

Dựa vào dung tích

   - Máy rửa bát 6 bộ: Phù hợp cho gia đình 1-2 người.

   - Máy rửa bát 8 bộ: Phù hợp cho gia đình 2-3 người.

   - Máy rửa bát 12 bộ: Phù hợp cho gia đình 4-5 người.

   - Máy rửa bát 15 bộ: Phù hợp cho gia đình 6 người trở lên.

Dựa vào tính năng

   - Máy rửa bát cơ: Hoạt động bằng nút bấm cơ học, giá thành rẻ hơn.

   - Máy rửa bát điện tử: Hoạt động bằng bảng điều khiển điện tử, có nhiều chương trình rửa và tính năng hiện đại hơn.

   - Máy rửa bát thông minh: Có thể kết nối với điện thoại thông minh để điều khiển từ xa và theo dõi hoạt động của máy.

4. Nhóm thiết bị sơ chế

4.1. Các loại máy xay

Để sơ chế thực phẩm, trong nhà bếp thường dùng các loại máy xay để xay nhỏ, xay nhuyễn nguyên liệu. Dựa theo công năng có thể phân loại như sau:

   - Máy xay thịt: Sử dụng để xay thịt, cá, hải sản và các loại thực phẩm khác thành dạng mịn. Máy xay thịt thường có công suất mạnh và lưỡi dao sắc bén giúp xay nhuyễn nguyên liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

   - Máy xay sinh tố: Được dùng để xay trái cây, rau củ, đá và các nguyên liệu khác để làm sinh tố, nước ép, súp,...

   - Máy xay cháo: Loại máy xay này được sử dụng để xay cháo cho trẻ em và người già. Máy xay cháo thường có thiết kế đặc biệt giúp xay nhuyễn hạt gạo và nấu chín cháo một cách nhanh chóng và tiện lợi.

máy xay sinh tố thuộc nhóm thiết bị nhà bếp sơ chế

Ngày nay nhiều máy xay sinh tố được tích hợp thêm một số chức năng như làm nóng, giữ lanh,...

 

4.2. Các loại máy ép

Máy ép chủ yếu được dùng để ép hoa quả hoặc rau củ lấy nước. Để biết máy ép trong thiết bị nhà bếp gồm mấy loại có thể xem xét dựa trên nguyên lý hoạt động như sau:

   - Máy ép ly tâm: Hoạt động dựa trên nguyên lý ly tâm để tách nước trái cây ra khỏi bã. Tuy nhiên, máy ép ly tâm có thể làm mất đi một số vitamin và khoáng chất trong trái cây do quá trình ép nhanh và tạo ra nhiều nhiệt.

   - Máy ép chậm: Hoạt động dựa trên nguyên lý nghiền nát nguyên liệu để ép lấy nước. Tốc độ ép chậm giúp giữ lại tối đa vitamin và khoáng chất trong trái cây.

   - Máy ép trục kép: Hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng hai trục ép để nghiền nát nguyên liệu, có hiệu quả ép cao, có thể ép được nhiều loại rau củ quả cứng.

5. Phụ kiện nhà bếp

Mỗi hoạt động nấu nướng ngoài cần thiết bị nhà bếp chính còn phải có các phụ kiện hỗ trợ, vì vậy số lượng nhóm này không hề nhỏ. Có thể phân loại như sau:

Dụng cụ nấu nướng

   - Nồi và chảo: Có nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau để phù hợp với nhiều loại món ăn, cách chế biến

   - Dao và thớt: Dao có nhiều loại theo kích cỡ, cấu tạo để thái, chặt thức ăn.

   - Muỗng, nĩa, dao, đũa: Một gia đình thường có ít nhất một bộ mỗi loại.

   - Dụng cụ nấu nướng khác: Spatula, kẹp, găng tay,...

Dụng cụ làm bánh

   - Bát trộn: Bát trộn được sử dụng để trộn bột, kem, và các nguyên liệu khác khi làm bánh.

   - Khuôn bánh: Có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau để phù hợp với nhiều loại bánh khác nhau.

   - Máy đánh trứng: Được sử dụng để đánh bông trứng, kem, và các nguyên liệu khác khi làm bánh.

   - Dụng cụ làm bánh khác: Phới lồng, dao cắt bánh, khuôn bánh tart,...

dụng cụ làm bánh thuộc nhóm phụ kiện thiết bị nhà bếp

Để làm được một chiếc thì số lượng phụ kiện thiết bị cần dùng đôi khi còn nhiều hơn nấu ăn bình thường.

Dụng cụ pha chế

   - Máy pha cà phê: Có nhiều loại máy pha cà phê khác nhau như máy pha cà phê phin, máy pha cà phê espresso, máy pha cà phê americano,...

   - Bình đun nước: Một số loại bình đun nước có thể kể như bình đun nước siêu tốc, bình đun nước điện,...

   - Dụng cụ pha chế khác: Máy xay cà phê, máy đánh sữa,... Mỗi dụng cụ có một công dụng riêng giúp việc pha chế trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Dụng cụ dọn dẹp

   - Giẻ rửa bát

   - Nước rửa chén

   - Khăn lau bếp

   - Thùng rác

   - Dụng cụ dọn dẹp khác: Cây lau nhà, cây quét nhà, túi rác,... Mỗi dụng cụ có một công dụng riêng giúp việc dọn dẹp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Với bài viết khá dài và chi tiết trên đây chắc hẳn đã giải đáp giúp bạn câu hỏi “Thiết bị nhà bếp gồm mấy loại?”, tuy nhiều là vậy nhưng không phải thiết bị nào cũng cần phải có, còn tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình nên bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi mua. Chúc bạn có được một căn bếp như ý!

 

 


Chủ đề
Tư vấn thiết bị bếp
Chính sách khách hàng
Chính sách khách hàng
Chính sách khách hàng
Chính sách khách hàng
{"UrlEngine":"UrlByArticleAliasEngine","site":"1"}